Website là gì? Website bao gồm những yếu tố nào

Website là gì mà các doanh nghiệp đang rất chú trọng. Trước khi thiết kế website mình luôn giải thích rất kỹ với khách hàng về tầm quan trọng của website. Vì đây là tài sản quý giá của doanh nghiệp trên thế giới online. Nếu bạn đang là người cần làm website, nội dung bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn vì sao có website giá 1tr và có những cái có giá tới vài trăm triệu. Từ đó chọn được loại website phù hợp với doanh nghiệp.

thiết kế website

Website là gì

Website có thể xem như là bộ mặt của doanh nghiệp trên thế giới online, trên đó khách hàng có thể tìm hiểu mọi thông tin về doanh nghiệp một cách đầy đủ và nhanh nhất.

Bạn có thể xây dựng 1 facebook fanpage với hàng chục ngàn like và tương tác cực kỳ tốt, hay phát triển một kênh youtube rất hay. Nhưng đùng một phát thuật toán facebook thay đổi tương tác trên fanpage giảm mạnh, kênh youtube lượng view từ search tụt dốc. Hay nặng hơn là kênh youtube và fanpage bị report, bị lock và hậu quả là khách hàng, những người đang theo dõi bạn không còn nhìn thấy bạn và cũng chả biết tìm ở đâu.

Nhưng khi sở hữu một website, kèm thêm chiến lược xây dựng hình ảnh thương hiệu tốt để khách hàng nhớ đến thì luôn có nơi để người dùng tìm đến khi muốn tìm hiểu về doanh nghiệp của bạn.

Có những loại website nào?

Dựa vào mục đích mình tạm chia website thành 2 loại phổ biến nhất đó là: website giới thiệu và website thương mại điện tử.

  • Website giới thiệu doanh nghiệp: dạng website này có các trang chức năng chính: trang chủ, giới thiệu, liên hệ, tin tức (blog), và các bài viết nằm trong trang tin tức.
  • Website thương mại điện tử: dạng này phức tạp hơn 1 chút là ngoài những chức năng như web giới thiệu doanh nghiệp, nó còn bao gồm chức năng mua hàng như ngoài đời thực (Khách hàng chọn sản phẩm cần mua, nhập thông tin nhận hàng, có những web cao cấp hơn thì tích hợp thanh toán ngay trên website)
  • Microsite: Đây là một dạng website phục vụ ngắn hạng, ví dụ như những landing page cho các chiến dịch quảng cáo, hay mini game,…

Về cách thức tạo ra website giới thiệu hay web thương mại điện tử, chúng ta hay nghe đến các thuật ngữ “Code tay”, “Mã nguồn có sẵn”, “Mã nguồn mở”. Thực chất tất cả đều phải dùng tay code mới ra được (ahihi), theo mình thuật ngữ chính xác phải là “Mã nguồn mở” (mã nguồn được public, ai cũng có thể xem được và tùy chỉnh dựa trên đó) và “Mã nguồn tự viết“. Bên dưới mình sẽ nói rõ hơn ưu nhược điểm 2 loại này để bạn chọn được loại phù hợp mà đặc biệt kiểm soát được “tài sản” quý giá này.

Những yếu tố cấu thành Website

Để có được một website hoàn chỉnh bạn cần có những yếu tốt sau đây:

  • Tên miền (domain): bao gồm tên miền quốc tế (.com, .net, .info, .org,…. có giá khoảng 200-350k/domain/năm) và tên miền quốc gia (ví dụ tên miền quốc gia Việt Nam có đuôi là .vn: .vn, .com.vn, .org.vn, .info.vn,… có giá khoảng 400-800k/domain/năm)
  • Hosting (hoặc server): đây là nơi lưu trữ dữ liệu (mã nguồn) của website. Có giá khoảng vài trăm ngàn đến vài triệu/năm, tùy vào nhu cầu sử dụng.
  • Mã nguồn: được lưu trữ trên hosting. (mình có nói kỹ bên dưới)

2 yếu tố quan trọng bạn cần nắm khi làm website đó là Mã nguồn (source code)Hosting vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của website cũng như giá thành của gói thiết kế web.

Freelancer viết source code
Source code của website rất quan trọng

Lưu ý mã nguồn của Website

Mã nguồn website là gì? (souce code) hiểu nôn na là thứ ngôn ngữ mà các coder viết ra để trình duyệt web đọc được từ đó chuyển thành hình hài, nội dung của một website. Khi thuê người làm web bạn cần phải biết được họ sử dụng ngôn ngữ nào hay mã nguồn nào để viết ra website, mình thấy đa số client đi thuê không để ý đến điều này.

Dưới đây là những lưu ý rất rất quan trọng bạn cần nắm để không gặp phải sự cố đáng tiếc sau khi trả tiền nhận bàn giao web.

  • Hãy hỏi rõ ràng freelancer/agengy sử dụng mã nguồn nào để làm webiste?
  • Nếu sử dụng mã nguồn tự viết (tự Code) thì mã nguồn này đã được sử dụng cho website nào chưa hay viết mới cho website của bạn? Giá làm website rẻ cũng một phần là vì freelancer sử dụng các source code có sẵn sau đó tùy biến thay logo, màu sắc chỉnh sửa bố cục cho từng client. Việc viết code cho 1 website mất khá nhiều thời gian đồng nghĩa giá thành cao.
  • Nếu sử dụng mã nguồn mở thì đó là mã nguồn nào. Hiện nay mã nguồn mở phổ biến nhất vẫn là WordPress.

Vì sao bạn cần biết mã nguồn? biết để sau này còn quản lý, tự phát triển thêm hoặc thuê người về phát triển.

Ưu và nhược điểm của các loại mã nguồn

  • Mã nguồn tự viết: 3 ngôn ngữ viết web phổ nhất hiện nay là HTML, PHP, ASP.NET
    Ưu điểm: Đa số cho ra website có tốc độ load nhanh, độ tùy biến cao (có thể tùy chỉnh tùy ý), khả năng bảo mật tốt.
    Nhược điểm: tốn nhiều thời gian để viết, cần người có chuyên môn hiểu biết rõ về mã nguồn để quản lý và tùy biến.
  • Mã nguồn mở: Các mã nguồn mở phổ biến – WordPress, Joomla hay Nukeviet.
    Ưu điểm: Tạo ra website hoàn chỉnh cực kỳ nhanh chỉ cần tùy biến dựa trên nền có sẵn. Dễ dàng quản lý, bảo mật, tùy biến, phát triển, do các mã nguồn này có sẵn cộng đồng các nhà phát triển (developer) hoạt động rất mạnh.
    Nhược điểm: Dễ bị hacker tấn công hàng loạt, vì là mã nguồn mở nên bất cứ ai cũng có thể can thiệp xem được mã nguồn, nếu hacker phát hiện lỗ hổng thì tất cả website dùng chung loại mã nguồn đều có thể bị tấn công với cùng 1 cách thông qua lỗ hổng đó. Tuy nhiên bạn cũng đừng quá lo vấn đề này, có cả một cộng đồng developer sống dựa vào mã nguồn mở, việc phát hiện và vá lỗ hổng rất nhanh. Vì vậy khi sử dụng mã nguồn mở bạn yên tâm là luôn có các cao thủ bảo mật xung quanh.

Nên chọn mã nguồn web nào?

Nếu bạn là một chuyên gia coding (chuyên viết website) nhưng không có thời gian làm và muốn thuê freelacner làm thì quá đơn giản rồi. Vì bạn là người hiểu rất rõ về viết code.

Nếu bạn là một marketer hay đơn giản là 1 ông chủ bà chù muốn làm một website nhưng không biết gì về làm web? Tỷ lệ rất cao là bạn sẽ bị “chém” đẹp nhưng không hề hay biết. Tình huống xấu hơn là website bị hack, lỗi, sau khi nhận bàn giao và hết thời gian bảo hành. Vì vậy có 2 giải pháp cho bạn.

  • Sử dụng mã nguồn mở: trên mạng hiện nay có hàng ngàn video của các chuyên gia trong và ngoài nước hướng dẫn sử dụng, quản trị website sử dụng mã nguồn mở. Ngoài ra nếu thuê người làm web bằng mã nguồn mở bạn cũng dễ dàng kiểm soát sau khi nhận bàn giao.
  • Tạo website thông qua các dịch vụ trực tuyến miễn phí và có phí như: blogger, wordpress.com, Wix,… nhưng lưu ý là khả năng tùy biến không cao.

Nên chọn mã nguồn tự code khi nào? Khi bạn, nhân viên của bạn hoặc người phụ trách website thực sự hiểu về các ngôn ngữ lập trình web. Mặc dù website tự code cũng có CMS (Content Managment System) để người dùng quản trị nội dung nhưng việc khắc phục các sự cố tùy biến sâu hơn sẽ rất khó khăn đối với người không biết về lập trình.

wordpress - mã nguồn được đông đảo freelancer dùng
WordPress đang là mã nguồn mở được sử dụng phổ biến nhất

Tầm qua trọng của Hosting / Server

Bên cạnh mã nguồn thì Hosting/Server cũng là thành phần khá quan trọng nếu bạn đang muốn làm website(mình gọi tắt Hosting/Server là HS cho gọn nha). Đây là nơi chứ tất cả mã nguồn, vì vậy không có nó website sẽ không thể nào hoạt động được. HS ảnh hưởng thế nào đến website:

  • Tốc độ load: HS cũng như ổ cứng của máy tính vậy, HS SSD (Solid-State Drive) giúp website load nhanh hơn so với HS HDD (Hard Disk Drive). HS trong nước load website nhanh hơn so với HS đặt nước ngoài nếu người dùng xem ở trong nước.
  • Lưu trữ: bao gồm số lượng domain trên 1 HS và dung lượng tối đa lưu trữ, dung lượng HS là có hạn, tùy thuộc vào nhu cầu từng website.
  • Độ chịu tải: Website bạn có lượng truy cập càng đông, lượng truy cập cùng lúc càng cao thì cần phải có HS càng mạnh.

Giá của hosting phụ thuộc và tỷ lệ thuận với 3 yếu tố trên. Thị trường thì đầy nhà cung cấp HS, đa số mấy ông lớn trong ngành cung cấp HS mình đều sử dụng qua rồi (PAVietnam, BeeHost, BKNS, Tenten) và mình đánh giá cao về chất lượng của các nhà cung cấp trong nước.

Hosting và server
Hosting/server là yếu tố quan trọng nếu muốn website load nhanh

Hiện tại mình đang sử dụng dịch vụ HS SSD của bên https://azdigi.com/, mọi người có thể vào tham khảo bảng giá HS tại https://azdigi.com/. Mình sử dụng dịch vụ HS bên này đơn giản vì đây là của thachpham (nếu anh em lọ mọ làm website wordpress cách đây gần chục năm thì không thể không biết đến blog đình đám chuyên về wordpress thachpham.com). Ngoài ra dịch vụ hỗ trợ bên này cũng khá tốt, thường mình gửi yêu cầu hỗ trợ trong vòng 30 phút là có phản hồi.

Giá thiết kế website bao nhiêu?

Vấn đề này chắc rất nhiều client quan tâm, đặc biệt là những người biết ít hoặc chưa biết về website. Thông thường gói thiết kế website hay bao gồm luôn tên miền và hosting. Như mình trình bày ở trên, mọi người có thể nhẩm được tổng giá trị của 2 thứ này, phần còn lại là công làm, công làm bao gồm:

  • Viết code: đối với mã nguồn tự viết, bắt buộc người làm web phải dùng ngôn ngữ lập trình dựng website dựa trên mẫu, cấu trúc, chức năng đã thống nhất, phần này chiếm đa số thời gian. Sau khi viết xong phải test hoạt động ổn mới bàn giao cho khách hàng.
  • Còn với mã nguồn mở đơn cử như WordPress: công việc nhẹ nhành hơn, sử dụng mã nguồn wordpress có sẵn cài lên hosting, kết nối database.
    Theo mình đánh giá với mã nguồn mở, công đoạn mất nhiều thời gian nhất là tùy biến giao diện (tùy biến theme) và tùy biến chức năng (plugin, module). Sử dụng theme có sẵn để trang trí cho website, tuy nhiên tùy vào nhu cầu của khách hàng về bố cục, chức năng, freelancer phải tùy biến giao diện có sẵn. Tùy biến không chỉ là kéo thả, mà đòi hỏi freelancer cần có chút chút kiến thức về PHP, HTML, CSS để tinh chỉnh chi tiết.
  • Tối ưu UI/UX: Đây là yếu tố đang được nhiều doanh nghiệp chú trọng. Và nó là yếu tố then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng.
  • Tối ưu tốc độ truy cập, bảo mật website.
  • Hậu mãi (chế độ bảo hành): sau khi bàn giao cho khách hàng, freelancer phải đảm bảo website hoạt động bình thường (truy cập ổn định, không bị lỗi), bảo mật website cho khách hàng trong thời gian bảo hành và hỗ trợ hướng dẫn bảo mật website khi hết thời gian bảo hành.

Giá thiết kế website mặt bằng chung ở phân khúc trung bình, giao động tầm 5-15 triệu tùy vào nhu cầu người dùng và cá nhân hoặc công ty thiết kế website. Với những website cao cấp hơn, tối ưu tốc độ và trải nghiệm người dùng (UX) giá có thể lên đến hơn 100 triệu.

Đọc đến đây bạn đã phần nào hình dung được để ra 1 cái website cần có những yếu tố nào, agency phải làm những gì, có đáng để bạn phải trả tiền cho công sức đó hay không.

Website là bộ mặt của doanh nghiệp trên thế giới Digital

Thiết kế website giá rẻ và câu chuyện muôn thuở

Làm ăn buôn bán ai mà chả muốn bán với giá cao và mua với giá thấp. Điều này có thể hợp lý với nhiều ngành nghề nhưng riêng về mảng làm website, bạn (client) nên cân nhắc nếu đang muốn thuê dịch vụ thiết kế website giá rẻ. Sẽ có rất nhiều đơn vị đáp ứng nhu cầu của bạn nhưng cái bạn nhận được sẽ là:

  • Hosting/server kém chất lượng: giảm cấu hình của hosting là một cách để giảm chi phí. Có nơi còn tự cấu hình server để đặt website của khách hàng lên. Lỗi thường thấy là website truy cập chập, chấp chờn, không ổn định.
  • Mã nguồn (source code) được xào lại từ mã có sẵn, đôi khi người làm web dùng luôn source code được share tràn lan trên mạng không rõ nguồn gốc dẫn đến website bị dính mã độc.
  • Đem con bỏ chợ: giá rẻ mà, nên trách nhiệm ít, chỉ cần bạn trả tiền xong là freelancer coi như hết nhiệm vụ, bất cứ lỗi gì xảy ra sẽ không được hỗ trợ hoặc thời gian hỗ trợ rất lâu, hời hợt.
  • Client sau khi nhận website xong, hoạt động được một thời gian và cần nâng cấp hoặc chỉnh sửa, đi thuê người có chuyên môn làm tốn rất nhiều chi phí có khi còn hơn tiền làm web ngày xưa. Giải pháp cuối cùng là đập làm lại website mới :)))
  • Bóc phốt qua lại :)))

Tóm lại

Hy vọng đến đây bạn đã biết Website là gì và những yếu tố cần thiết phải có để hoàn thiện một website. Dù là thuê ngoài hay tự làm bạn cũng nên chắc chắn rằng hiểu rõ và có thể tự quản trị được website vì đây được coi như tài sản quí giá của doanh nghiệp trên online.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares